(Báo Nhân dân): Nguồn nước tại các thành phố lớn ngày càng bị ô nhiễm nặng do rác thải, nước thải sinh hoạt xả thẳng ra sông, hồ. Trong ảnh: Công nhân vệ sinh môi trường nhặt rác nổi trên sô
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt do quá trình sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, trong sinh hoạt của người dân đang diễn ra khá trầm trọng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đồng thời làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh ung thư.
Quá trình công nghiệp hóa (CNH), đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, sự gia tăng dân số đã gây áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước ở Việt Nam, dẫn đến môi trường nước mặt ở nhiều đô thị, khu công nghiệp, các làng nghề ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải và chất thải rắn. Tại các thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước mặt do xả thẳng ra nguồn tiếp nhận.
Trong ngành công nghiệp dệt may, ngành công nghiệp giấy, công nghiệp mía đường và công nghiệp chế biến thực phẩm... nước thải thường có độ pH trung bình cao; chỉ số nhu cầu ô-xy sinh hóa (BOD) ở mức 700mg/l, vượt ngưỡng cho phép đến 14 lần; nhu cầu ô-xy hóa học (COD) có thể lên đến 2.500mg/l, vượt tiêu chuẩn cho phép hơn 16 lần (theo QCVN 40:2011/BTNMT). Hàm lượng nước thải của một số doanh nghiệp có chứa Cyanua (CN-) vượt đến 80 lần tiêu chuẩn cho phép, nhiều chỉ số môi trường khác trong nước cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép.
Tình trạng ô nhiễm nước mặt ở các đô thị, được thể hiện rõ nhất ở hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang ở mức báo động rất cao. Tại hai thành phố này, nước thải sinh hoạt trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận (sông, hồ, kênh, mương). Rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải; một lượng lớn chất thải rắn trong thành phố không được thu gom triệt để... Tình trạng ô nhiễm nước mặt ở nông thôn, khu vực sản xuất nông nghiệp không ngừng gia tăng. 76% số dân đang sinh sống ở nông thôn, là nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao, nhất là việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe.
Tại một số địa phương, khi quan sát các trường hợp ung thư, viêm nhiễm phụ khoa chiếm từ 40 đến 50% là do từng sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Theo đánh giá của các Bộ Y tế và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng chín nghìn người chết vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; hằng năm có khoảng hơn 100 nghìn trường hợp mắc ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Tác hại của ô nhiễm nguồn nước mặt đối với sức khỏe con người, chủ yếu do môi trường nước bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm các hợp chất hữu cơ, các hóa chất độc hại và ô nhiễm kim loại nặng. Ảnh hưởng của ô nhiễm nước mặt đối với sức khỏe cộng đồng chủ yếu thông qua hai con đường, do ăn uống phải nước bị ô nhiễm hay các loại rau quả, thủy hải sản được nuôi trồng trong nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với môi trường nước bị ô nhiễm trong quá trình sinh hoạt và lao động do con người gây ra.
Nhằm từng bước giảm ô nhiễm nước mặt, cũng như nâng cao chất lượng sống và sức khỏe của người dân, các cơ quan quản lý từ T.Ư đến các địa phương cần áp dụng các biện pháp hạn chế xả chất thải ra nguồn nước mặt. Xử lý nước thải sinh hoạt ngay từ đầu nguồn bằng công nghệ sinh học hoặc đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho các cụm dân cư. Ðẩy mạnh nghiên cứu, xác định rõ mức độ ảnh hưởng của các yếu tố trong môi trường nước mặt có nguy cơ cao đối với sức khỏe cộng đồng. Cần xây dựng và công bố Báo cáo Sức khỏe môi trường quốc gia, trong đó nêu chi tiết các nội dụng liên quan đến ô nhiễm nước mặt và sức khỏe cộng đồng.
Ðối với các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở có phát sinh nước thải, tăng cường tái sử dụng nước trong sản xuất (quay vòng nước trong sản xuất); lắp đặt hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra nguồn tiếp nhận, cũng như từng bước thay đổi công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm tiết kiệm nguồn nước trong quá trình sản xuất tại các cơ sở này. Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cá nhân, hộ gia đình bằng việc sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt hằng ngày; đồng thời người dân không nên sử dụng nguồn nước mặt bị ô nhiễm cho ăn uống, sinh hoạt, nhất là hạn chế sử dụng nguồn nước mặt bị ô nhiễm cho hoạt động chăn nuôi và trồng trọt...
Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, gần một nửa trong số 26 bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm. Ðiển hình là bệnh tiêu chảy cấp, dịch tả, thương hàn, đau mắt đỏ, các bệnh về đường tiêu hóa, viêm gan A, viêm não, ung thư...
THs, BS DƯƠNG DANH MẠNH